Lễ công bố 10 sự kiện khoa học công nghệ được diễn ra dưới hình thức trực tuyến từ điểm cầu Viện Hàn lâm KHCNVN
Viện Hàn lâm KHCNVN vinh dự đóng góp 02 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2021: GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN vinh dự được nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp và Huy chương của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Belarus vì những thành tích trong nghiên cứu khoa học và đóng góp không ngừng cho sự hợp tác khoa học công nghệ; Công trình “Phát triển và ứng dụng hệ cảm biến sinh học để xác định nhanh BOD và độ độc trong nước” do nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Thị Thùy Phương (thuộc Viện Công nghệ hóa học, Viện Hàn lâm KHCNVN) thực hiện, đã giành giải đặc biệt (Best Innovation Award) của Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á (Asia Innovation Award) 2021.
Sự kiện 1: Lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học - Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh được Pháp và Belarus vinh danh
Thay mặt Viện Hàn lâm KHCNVN, Phó Chủ tịch Chu Hoàng Hà nhận chứng nhận được bình chọn từ CLB Nhà báo KHCN
GS. VS. Châu Văn Minh là người Việt Nam đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ được Nhà nước Cộng hòa Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Trên cương vị là Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN ông đã ủng hộ, thúc đẩy việc phát triển hợp tác, đào tạo và chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị nghiên cứu quốc gia Pháp và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN thông qua gần 200 dự án hợp tác với hàng trăm Tiến sỹ, thạc sỹ được đào tạo, trong đó nhiều người hiện đã là Giáo sư, Phó Giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành, Lãnh đạo các đơn vị trong Viện Hàn lâm KHCNVN. Đặc biệt, GS. VS. Châu Văn Minh đã tích cực đàm phán, xây dựng lộ trình triển khai hiệu quả hai dự án hợp tác khoa học công nghệ biểu tượng cho tình hữu nghị Việt - Pháp là dự án Vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNRED-Sat1 và dự án xây dựng và phát triển Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay Đại học Việt - Pháp), viết thêm những trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Viện Hàn lâm KHCNVN với các đối tác Pháp nói riêng và giữa hai đất nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp nói chung.
Trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh
Cũng trong năm 2021, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Belarus đã trao tặng Huy chương của Viện cho cho GS. VS. Châu Văn Minh, ghi nhận thành tích nghiên cứu cũng như sự ủng hộ tích cực và nhất quán của GS. VS. Châu Văn Minh trong việc mở rộng quan hệ hợp tác nhân văn giữa hai nước, đồng thời, tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác KHCN giữa Việt Nam với nước Cộng hòa Belarus nói chung và giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Belarus nói riêng.
Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Belarus đã trao tặng Huy chương của Viện cho cho GS. VS. Châu Văn Minh
Đây là Huy chương thứ 18 mà Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Belarus trao tặng từ trước đến nay cho các cá nhân và tập thể có thành tích khoa học xuất sắc của Belarus và quốc tế.
Sự kiện 2: Lĩnh vực khoa học tự nhiên - Công trình khoa học Việt Nam giành giải đặc biệt Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á
Quỹ Toàn cầu Hitachi vừa thông báo công trình “Phát triển và ứng dụng hệ cảm biến sinh học để xác định nhanh BOD và độ độc trong nước” do nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Thị Thùy Phương (thuộc Viện Công nghệ hóa học, Viện Hàn lâm KHCNVN) thực hiện, đã giành giải đặc biệt (Best Innovation Award) của Giải thưởng Đổi mới sáng tạo châu Á (Asia Innovation Award) 2021. Giải thưởng trị giá 3 triệu yen, tương đương 600 triệu đồng.
Giải thưởng này vinh danh nghiên cứu của TS. Phạm Thị Thùy Phương và các cộng sự vì đã tạo ra hệ nghiên cứu cảm biến sinh học cho phép xác định giá trị BOD (Biochemical Oxygen Demand, biểu thị lượng các chất thải hữu cơ trong nước có thể bị phân hủy bằng các vi sinh vật) và độc tính trong nước chính xác với hệ số biến thiên thấp, thời gian phân tích nhanh, dễ sử dụng để xác định nhanh chất lượng nước thải.
Hệ nghiên cứu cảm biến sinh học đo BOD và độ độc
Chỉ cần vài phút đến vài giờ, tùy mức độ phức tạp của nguồn nước, hệ nghiên cứu cảm biến sinh học đo BOD và độ độc do TS. Phạm Thị Thùy Phương và các cộng sự thuộc Viện Công nghệ hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu đã có thể phát hiện ra nguồn nước có nguy cơ gây ô nhiễm khi được xả thải vào nguồn tiếp nhận.
Với chi phí đầu tư và vận hành thấp, hệ cảm biến sinh học này được kỳ vọng có thể ứng dụng trong các hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục. Qua đó, đánh giá chất lượng nước trực tiếp tại nguồn hướng đến mục tiêu cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu những sự cố môi trường, góp phần bảo vệ sự sống dưới nước và trên mặt đất.
Chụp ảnh lưu niệm kết thúc buổi lễ công bố