Với mục tiêu tạo ra một loại phân bón mới có khả năng làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, hỗ trợ cho cây trồng phát triển tốt; Dự án “Xây dựng công nghệ sản xuất màng chitosan phối hợp với các hợp chất phức chelat, nano kim loại bọc phân ure và một số loại phân bón khác”, mã số UDSXTN.03/18-19 do PGS.TS. Hoàng Thị Kim Dung làm chủ nhiệm, Viện Công nghệ hóa học chủ trì phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau đã được thực hiện và nghiệm thu loại Xuất sắc.
 

Dự án đã đề ra quy trình tạo dung dịch oligochitosan với hàm lượng cao 10% mà không qua quá trình sấy nhằm giảm chi phí trong sản xuất; Tạo ra được hỗn hợp màng bao phối hợp oligochitosan với vi lượng dạng chelat acid amin để phủ lên phân urea và NPK, tạo dòng phân bón mới.

Tiến hành thử nghiệm trên cây cải xanh và ớt cay trồng trong chậu trên giá thể mụn dừa (loại đất trồng kém màu mỡ) và khảo nghiệm diện hẹp các loại phân bón này trên các loại cây cải ngọt, bắp, lúa, cam, thanh long tại các vùng đất khác nhau ở Lâm Đồng, Tiền Giang, Cà Mau, Long An, Cần Thơ. Kết quả cho thấy đối với thanh long ruột đỏ, sản phẩm phân bón của dự án cho khả năng sinh trưởng của cây tốt hơn, chất lượng trái tốt hơn, năng suất cao hơn, tốt cho sự phát triển ổn định lâu dài của cây so với hầu hết các loại phân bón khác được Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau khảo nghiệm. Đối với cây ớt cay trồng trong chậu trên giá thể mụn dừa, năng suất ớt thu hoạch có thể tăng đến 300% so với phân bón thông thường.

Thử nghiệm chung cho thấy, sản phẩm phân bón của dự án có tác động tích cực đến quá trình sinh trưởng, phát triển, tăng năng suất, chất lượng trái, và làm giảm lượng phân bón sử dụng trên các loại cây ăn trái được thử nghiệm, đem lại giá trị kinh tế cũng như giúp làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón dư thừa.

Thử nghiệm trên cây cải ngọt

Thử nghiệm trên cây thanh long

Nguồn tin: Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ
Xử lý tin: Thanh Hà

Bài viết khác: