Ngày 25/11/2020, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng chủ trì “Hội thảo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự Hội thảo có TS. Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; GS. VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương; cùng hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, đại diện các tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu.
GS. VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN cho biết: Hội thảo với chủ đề và thông điệp rõ ràng về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu của đất nước, là vấn đề quan trọng đã được Đảng và Chính phủ quan tâm định hướng phát triển trong nhiều năm qua. Với thế và lực ngày nay của đất nước, với sự trưởng thành của nền khoa học công nghệ nước nhà và sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đã đến lúc cần có một nghị quyết của Đảng, tạo nền tảng căn cơ cho phát triển công nghiệp vật liệu của đất nước. Hội thảo được kỳ vọng có thể cung cấp những thông tin quý giá về nghiên cứu cơ bản khoa học công nghệ vật liệu và phát triển công nghệ nguồn, các ứng dụng công nghệ vật liệu, thông tin về quản lý Nhà nước các chương trình, dự án, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ vật liệu, về nhu cầu vật liệu trong sản xuất hàng hóa, những ví dụ sinh động về kinh nghiệm phát triển công nghiệp vật liệu, sản phẩm công nghệ cao quốc tế, và những ý kiến trao đổi thảo luận về các vấn đề liên quan.
TS. Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo
TS. Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ, trong đó có khoa học công nghệ về công nghiệp vật liệu, cần có cơ chế để phát triển và phát huy năng lực của đội ngũ những người làm khoa học ở các viện nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện để cả xã hội, trước hết là cộng đồng doanh nghiệp tham gia. Hội thảo cần làm rõ các phương hướng và cách thức tổ chức thúc đẩy phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu của nước ta trong 10-25 năm tới. Đồng chí tin tưởng rằng với sự tham gia tích cực, tâm huyết của các đại biểu với chuyên môn sâu và đa dạng , hội thảo sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị thiết thực, hiệu quả cho Đảng và Nhà nước.
PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo
PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao được coi là chìa khóa cho sự phát triển công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực; việc làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là một trong những nền tảng cơ bản để làm chủ sản xuất công nghiệp. Trong hoạt động khoa học công nghệ, công nghệ vật liệu mới luôn được xác định là một trong bốn hướng nghiên cứu khoa học ưu tiên, các nội dung nghiên cứu ứng dụng vật liệu luôn được ưu tiên lồng ghép trong các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung và lĩnh vực công nghiệp vật liệu nói riêng.
Mục đích của Hội thảo là nhằm phân tích, làm rõ thực trạng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành công nghệ vật liệu của Việt Nam trong thời gian qua; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển công nghiệp vật liệu cũng như các mô hình, chính sách thí điểm, cách làm hay của địa phương, ngành/lĩnh vực hoặc doanh nghiệp cụ thể về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu; nhận diện bối cảnh, đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy và nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TS. Kum Dongwha, Viện trưởng Viện V-KIST tham luận về kinh nghiệm phát triển công nghệ vật liệu tại Hàn Quốc
Hội thảo có 4 báo cáo tham luận về công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vật liệu thời gian qua và đề xuất cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của đại diện Viện Hàn lâm KHCNVN; về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong ngành công nghiệp vật liệu từ năm 2010 đến nay và giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; về nhu cầu thị trường và thực trạng đáp ứng trong ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam hiện nay của đại diện Bộ Công Thương và về kinh nghiệm phát triển công nghệ vật liệu tại Hàn Quốc của Viện trưởng Viện V-KIST và các ý kiến tham luận của đại diện các ngành, lĩnh vực công nghiệp vật liệu của nước ta.
Hội thảo là cơ hội để các bộ, ngành, các tổ chức, các nhà khoa học, các địa phương cùng trao đổi thảo luận làm rõ các luận cứ cần thiết, mục đích định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu phục vụ cho đề án phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Chụp ảnh lưu niệm
Tham quan một số Phòng thí nghiệm và sản phẩm của Viện Khoa học vật liệu
Thanh Hà