Từ ngày 29 - 30/11/2024, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” khu vực miền Bắc năm 2024. Đoàn thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) vinh dự có 02 công trình trong số 23 công trình, giải pháp, sản phẩm sáng tạo trong cả nước được vinh danh.
Hai công trình của thanh niên Viện Hàn lâm được vinh danh gồm: Công trình “Nghiên cứu công nghệ xanh tổng hợp vật liệu khung cơ kim (MOFS) ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng và xử lý môi trường” của ThS. Nguyễn Bá Mạnh - Chi đoàn Viện Hóa học và Công trình “Xây dựng mô hình bảo tồn các loài ếch cây ở Việt Nam, thí điểm tại tỉnh Hà Giang” của TS. Ninh Thị Hòa - Chi đoàn Viện Nghiên cứu hệ Gen.
Công trình “Nghiên cứu công nghệ xanh tổng hợp vật liệu khung cơ kim (MOFS) ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng và xử lý môi trường” của ThS. Nguyễn Bá Mạnh - Chi đoàn Viện Hóa học
Hướng nghiên cứu chính của ThS Nguyễn Bá Mạnh tại công trình “Nghiên cứu công nghệ xanh tổng hợp vật liệu khung cơ kim (MOFS) ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng và xử lý môi trường” là nghiên cứu công nghệ tổng hợp vật liệu khung hữu cơ kim loại (MOF) ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, xử lý môi trường, và chuyển hóa năng lượng. Không dừng lại ở các công bố quốc tế, ThS. Nguyễn Bá Mạnh còn nghiên cứu hoàn thiện, tối ưu hóa công nghệ tổng hợp MOF ở quy mô pilot để sản xuất MOF ứng dụng trong thực tế. Kết quả có 01 sản phẩm tổng hợp ở quy mô pilot và đã được ứng dụng làm chất xúc tác hiệu quả cao trong xử lý nhanh các chất độc quân sự tại Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng. Sản phẩm MOF này có thể thay thế các vật liệu đang được nhập khẩu ở các nước phát triển trên thế giới, mở ra bước đột phá làm chủ công nghệ tổng hợp vật liệu trong nước. Đây là hướng nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, có ý nghĩa khoa học, tạo điều kiện để phát triển, làm chủ công nghệ tổng hợp MOF trong nước.
ThS. Nguyễn Bá Mạnh được vinh danh tại Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” khu vực miền Bắc năm 2024
ThS. Nguyễn Bá Mạnh, hiện đang công tác tại phòng Hóa Vô cơ – Hóa lý, Viện Hóa học. ThS Nguyễn Bá Mạnh là tác giả của 20 bài báo quốc tế thuộc danh mục SCIE, Q1 (Scimago), đặc biệt có 02 bài báo có chỉ số IF chất lượng cao (Chemical Engineering Journal, IF 13.4, Q1; Journal of Hazardous Materials, IF 12.2, Q1). Ngoài ra, ThS. Nguyễn Bá Mạnh đã đạt được 02 giải Nhì tại kỳ thi Olympic Hóa học Quốc gia năm 2016 và 2018; nằm trong tốp 20 Giải thưởng Quả Cầu Vàng do Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức năm 2024; vinh dự được nhận nhiều xuất học bổng có giá trị của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) năm 2023, 2024; học bổng VALLET năm 2022, 2023; học bổng NOVATECH năm 2024.
Công trình “Xây dựng mô hình bảo tồn các loài ếch cây ở Việt Nam, thí điểm tại Tỉnh Hà Giang” của TS. Ninh Thị Hòa - Chi đoàn Viện Nghiên cứu hệ Gen
TS. Ninh Thị Hòa được vinh danh tại Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” khu vực miền Bắc năm 2024
Nhóm nghiên cứu của TS. Ninh Thị Hòa và các nhà khoa học Viện Nghiên cứu hệ Gen đã tiến hành khảo sát thực địa và giám sát quần thể tại khu vực Hà Giang, tập trung vào việc phân tích các đặc điểm sinh thái, hình thái và di truyền của các loài Ếch cây tại đây. Mục tiêu chính của nghiên cứu không chỉ đánh giá tình trạng bảo tồn của các loài Ếch cây, mà còn xây dựng và thử nghiệm các mô hình bảo tồn hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của khu vực.
Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ba loài Ếch cây mới cho khoa học, bao gồm Zhangixalus franki, Z. jodiae và Theloderma khoii. Những phát hiện này đóng góp quan trọng vào việc làm phong phú thêm kho tàng tri thức về hệ sinh thái đa dạng của Hà Giang. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, các nhà khoa học cũng đã ghi nhận nhiều mối đe dọa đối với các loài Ếch cây, đặc biệt là sự mất môi trường sống do khai thác rừng, phát triển nông nghiệp và các hoạt động sinh kế của người dân. Những tác động này không chỉ làm giảm diện tích sống của các loài mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản và phát triển của chúng.
Mô hình bảo tồn mà nhóm nghiên cứu phát triển bao gồm nghiên cứu hiện trạng và giám sát kích thước quần thể các loài ngoài tự nhiên để khoanh vùng ưu tiên cùng với biện pháp bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài Ếch cây, kết hợp với hoạt động tuyên truyền và giáo dục cộng đồng. Cùng với Chi cục kiểm lâm Quản Bạ và Chi đoàn Viện Nghiên cứu hệ Gen, nhóm nghiên cứu đã triển khai các chương trình tập huấn để nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của bảo tồn động vật hoang dã. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ hơn giá trị của các loài này và được khuyến khích tham gia vào công tác bảo vệ, từ việc theo dõi loài đến giảm thiểu tác động của các hoạt động sinh kế đối với môi trường. Mô hình này góp phần bảo vệ các loài Ếch cây và bảo tồn hệ sinh thái tại Hà Giang.
Ảnh chụp trong một chuyến khảo sát thực địa tại tỉnh Hà Giang
Hoạt động tập huấn nhận diện một số loài Ếch cây cho người dân địa phương và vai trò của bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Hà Giang
Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học tại trường học tại tỉnh Hà Giang
Kết quả từ công trình nghiên cứu đã cho thấy mô hình bảo tồn này không chỉ hiệu quả trong việc bảo vệ các loài Ếch cây mà còn nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học. Công trình không chỉ có giá trị khoa học mà còn có tính ứng dụng, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam, đặc biệt trong việc bảo tồn các loài Ếch cây tại Hà Giang, và các loài động vật quý hiếm khác trong khu vực.
Thanh Hà