Mục tiêu nghiên cứu là đưa ra được quy trình chiết xuất các hợp chất irinoid từ cây Quao nước với hiệu suất cao, đưa ra quy trình chuyển hóa tạo các dẫn xuất của các irinoid chiết tách được, đồng thời tạo được chế phẩm chứa irinoid có tác dụng hạ đường huyết tốt.
Quao nước là một loài cây ngập mặn có tên khoa học là Dolichandrone spathacea (L.f) K. Schum. thuộc họ Quao (Bignoniacea): Cây mọc ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Về thành phần hóa học, các hợp chất phân lập được từ loài Quao nước chủ yếu thuộc nhóm iridoid. Ở vùng Nam bộ nước ta, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, loài Quao nước rất phổ biến. Cây mọc trên bùn, dựa rạch có triều và rừng sác, sau rừng sú vẹt và dọc các cửa sông, thường có dạng cây bụi và có khi cũng gặp ở những nơi gần bãi biển. Ở vùng sau sú vẹt thường là cây gỗ, có khi chỉ mang lá trong một thời gian ngắn (vào mùa khô), cũng có lúc cây có lá và hoa quanh năm. Trong đời sống, cây Quao có nhiều công dụng như làm thuốc nhuận gan, thuốc tiêu độc, chữa dị ứng, khử trùng. Hoa và trái non của cây Quao ăn được.
Quả, lá và hoa của cây Quao nước (Dolichandrone spathacea)
Iridoid là các hợp chất thứ cấp được tìm thấy trong nhiều loài thực vật và một số động vật. Chúng là các monoterpen được sinh tổng hợp từ isopren và thường là chất trung gian trong quá trình sinh tổng hợp alkaloid. Về cấu trúc hóa học, iridoid thường có một vòng cyclopentan được nối với 1 vòng dị tố 6 cạnh chứa oxi. Các hợp chất iridoid thường có nhiều hoạt tính thú vị như hạ đường huyết, giảm đau, chống viêm, chống co thắt, chống sưng tấy, chống virus, nhuận tràng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt tính hạ đường huyết của các iridoid được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu.
Các iridoid có hoạt tính hạ đường huyết mạnh. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thăm dò hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase của hai iridoid QN1 và QN2. Kết quả cho thấy hai hợp chất này có khả năng ức chế enzyme α- glucosidase tốt hơn acarbose với IC50 lần lượt là 191.50 và 175.52 μM (chất đối chứng acarbose 278.80 μM). Các nghiên cứu của nhóm đã cho thấy lớp chất iridoid chiếm hàm lượng lớn trong cây ở cả vỏ, cành và lá Quao nước. Trên cơ sở nghiên cứu quy trình chiết xuất iridoid quy mô phòng thí nghiệm, dung môi acetone được lựa chọn để làm dung môi chiết cho quy trình tạo chế phẩm quy mô 100g/mẻ. Acetone có khả năng chiết chọn lọc các iridoid, ít độc hại, dễ loại bỏ trong quá trình chiết.
Một số hợp chất iridoid phân lập từ cây Quao nước
Quy trình tạo chế phẩm Quao nước quy mô 100g chế phẩm / mẻ
Kết quả đánh giá hoạt tính ức chế enzyme α- glucosidase của 14 dẫn xuất iridoid cho thấy có 5 hợp chất có hoạt tính cao nhất theo thứ tự lần lượt là QN3 ˃ QN2 ˃ QN5 ˃ QN4 ˃ QN1 (tương ứng với các giá trị IC50 0,05; 7,24; 8,65; 20,84 và 24,89 μM, chất đối chứng acarbose IC50 285,0 μM). Hợp chất QN3 (nemoroside) thể hiện hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase tiềm năng nhất, mạnh gấp 5700 lần chất đối chứng. Nghiên cứu docking phân tử cho kết quả khá tương đồng, trong đó thứ tự liên kết với 3W37: QN2 ˃ QN3 ˃ QN1 ˃ QN19 ˃ QN5 và liên kết với 3AJ7: QN5 ˃ QN2 ˃ QN3 ˃ QN15 ˃ QN1 = QN19. Năm quy tắc của Lipinski cho thấy chất QN3 là hợp chất tiềm năng nhất khi ứng dụng bằng đường uống, trong khi các chất QN1, QN2 và QN5 là các chất thích hợp nhất cho môi trường sinh lý của cơ thể trong nghiên cứu này. Các kết quả thu đã cho thấy có sự tương đồng giữa tính toán lý thuyết và thực nghiệm, tương quan cấu trúc hoạt tính của các dẫn xuất iridoid trên cơ chế tác động lên các protein thủy phân carbohydrate 3W37 và 3AJ7 đã được nghiên cứu.
Docking phân tử giữa chất QN3, QN5 và QN12 với protein 3W37
Những đóng góp mới của đề tài là:
- Lần đầu tiên thành phần hóa học của quả cây Quao nước được nghiên cứu
- 03 chất lần đầu tiên được phân lập từ loài này và 05 dẫn xuất iridoid bán tổng hợp mới
- Lần đầu tiên nghiên cứu đánh giá hoạt tính ức chế enzyme α- glucosidase của các dẫn xuất và các iridoid phân lập được từ cây Quao nước.
- Lần đầu tiên nghiên cứu tính toán lý thuyết trên mô hình docking phân tử của 15 iridoid để xác định mối tương quan cấu trúc hoạt tính.
Đề tài được xếp loại Xuất sắc.
Nguồn: Chu Thị Ngân, Trung tâm Thông tin - Tư liệu
Xử lý tin: Phương Hà